Nhân khẩu Hải_Nam

Dân tộc

Cư dân ở vùng nông thôn Hải Nam

Người Lê là các cư dân ban đầu tại Hải Nam. Họ được cho là hậu duệ của các bộ lạc Bách Việt tại Trung Quốc, họ đã định cư trên đảo từ 7 đến 27 nghìn năm trước.[10] Người Lê hiện nay sinh sống chủ yếu tại 9 huyện thị ở khu vực giữa và phía nam của Hải Nam – đó là các thành phố Tam Á, Ngũ Chỉ SơnĐông Phương, các huyện tự trị là Bạch Sa, Lăng Thủy, Lạc Đông, Xương Giang, Quỳnh TrungBảo Đình. Khu vực người Lê định cư chiếm diện tích 18.700 kilômét vuông (7.200 sq mi)[Chuyển đổi: Tùy chọn không hợp lệ], tức khoảng 55% diện tích toàn tỉnh.[11]

Năm 46 TCN, triều đình Nhà Hán thấy cuộc chinh phục tốn quá nhiều chi phí và từ bỏ hòn đảo. Khoảng thời gian đó, người Hán cùng với các binh sĩ và tướng lĩnh bắt đầu nhập cư đến đảo Hải Nam từ lục địa. Trong số đó, có một số là con cháu của những người đã bị trục xuất đến Hải Nam vì lý do chính trị. Hầu hết trong số họ đến đảo Hải Nam từ các khu vực thuộc Quảng Đông, Phúc KiếnQuảng Tây hiện nay. Thời Nhà Tống, lần đầu tiên có một lượng lớn người Hán di cư đến Hải Nam, họ chủ yếu định cư ở phía bắc của hòn đảo. Trong thế kỷ XVI và 17, tiếp tục có một lượng lớn người Hán từ Phúc Kiến và Quảng Đông nhập cư đến Hải Nam, đẩy người Lê đến các vùng cao nguyên ở nửa phía nam của hòn đảo, Trong thế kỷ XVIII, người Lê đã nổi dậy chống lại triều đình Nhà Thanh, triều đình phản ứng bằng cách đưa lính người Miêu từ Quý Châu đến đàn áp. Nhiều người Miêu sau đó đã định cư tại đảo và hậu duệ của họ tiếp tục sống ở vùng cao nguyên phía tây Hải Nam cho đến nay.

Ngôn ngữ

Bản đồ ngôn ngữ Hải Nam theo thống kê năm 1967, (mẫu xanh thẫm là phương ngôn Mân Nam và màu xanh nhạt là tiếng Lê)

Cư dân tại Hải Nam sử dụng nhiều phương ngôn hay ngôn ngữ khác nhau. Trong đó, chủ yếu là 11 phương ngôn:

  1. Tiếng Hải Nam (海南话, Hải Nam thoại), một nhánh của phương ngôn Mân Nam của tiếng Hán. Tiếng Hải Nam được sử dụng rất rộng rãi, số người sử dụng là nhiều nhất trong số các phương ngôn trên đảo với khoảng 5 triệu cư dân thông dụng "phương ngôn" này. Những người nói tiếng Hải Nam phân bổ chủ yếu tại đại bộ phận các huyện thị Hải Khẩu, Quỳnh Sơn, Văn Xương, Quỳnh Hải, Vạn Ninh, Định An, Đồn Xương, Trừng Mại và khu vực ven biển của các huyện thị Lăng Thủy, Lạc Đông, Đông Phương, Xương Giang và Tam Á. Tại các địa phương khác nhau, ngữ âm và thanh điệu tiếng Hải Nam cũng có sự khác biệt.
  2. Tiếng Lê (黎语, Lê ngữ), thuộc Ngữ chi Lê của Ngữ hệ Thái Kadai (cũng có học giả cho là thuộc Ngữ hệ Nam Đảo). Tiếng Lê được người Lê sử dụng, chủ yếu phân bổ tại Quỳnh Trung, Bảo Đình, Lăng Thủy, Bạch Sa, Đông Phương, Lạc Đông, Xương Giang và Tam Á, Ngũ Chỉ Sơn.
  3. Tiếng Lâm Cao (临高话, Lâm Cao thoại), thuộc Ngữ chi Tráng-Thái của Ngữ tộc Tráng-Đồng. Ước tính có khoảng 500.000 người sử dụng tiếng Lâm Cao, chủ yếu tại huyện Lâm Cao.
  4. Thôn thoại khu vực Dương Sơn, trước đây gọi là thổ ngữ Quỳnh Sơn, thuộc Ngữ hệ Thái-Kadai. Ước tính có 110.000 người sử dụng, chủ yếu phân bổ tại khu vực Dương Sơn của thành phố Quỳnh Sơn và ở các vùng ngoại ô phía tây Hải Khẩu như Trường Lưu (长流), Vinh Sơn (荣山), Tân Hải (新海) hay Tú Anh (秀英).
  5. Tiếng Đam Châu (儋州话, Đam Châu thoại), một nhánh của phương ngôn Quảng Đông của tiếng Hán. Có hơn 700.000 người sử dụng, chú yếu phân bổ tại các khu vực duyên hải của Đam Châu, Xương Giang, Đông Phương.
  6. Tiếng Quân (军话, Quân thoại), thuộc hệ thống phương ngôn tây nam của Quan thoại. Có nguồn gốc từ các binh sĩ và quan chức thời xưa đến Hải Nam từ đại lục. Có trên 100.000 người sử dụng, chủ yếu phân bổ tại một bộ phận của Xương Giang, Đông Phương, Đam Châu và Tam Á.
  7. Tiếng Miễn (勉語, Miễn ngữ), thuộc Ngữ tộc Miêu-Dao. Người Miêu tại Hải Nam thông dụng tiếng Miễn, ước tính có khoảng 50.000 người tại các khu vực thiểu số của các huyện thị trung bộ và nam bộ hòn đảo.
  8. Thôn thoại khu vực Đông Phương và Xương Giang, trước đây gọi là Ca Long thoại (哥隆话) hay Ngật Long thoại (仡隆话), thuộc Ngữ tộc Kra của Ngữ hệ Thái-Kadai. Ước tính có 80.000 người sử dụng, chủ yếu phân bổ tại đôi bờ hạ du sông Xương Hóa của Đông Phương và Xương Giang.
  9. Tiếng Hồi Huy (回辉话, Hồi Huy thoại), hiện nay giới học thuật nhận định là ngôn ngữ duy nhất trong một nhóm ngôn ngữ thuộc Ngữ hệ Nam Đảo. Căn cứ theo "Quỳnh Châu phủ chí" (琼州府志), tiếng Hồi Huy là của những cư dân nhập cư ngoại quốc đến vào thời Nhà TốngNhà Nguyên truyền cho đời sau của họ, người Hán đương thời gọi là "Phiên ngữ" (番语, tức tiếng nước ngoài). Tiếng Hồi Huy được khoảng 6.000 cư dân người Hồi (Utsul) tại hai khu vực Hồi Huy và Hồi Tân tại Tam Á và một số cư dân tại Bạch Sa và Vạn Ninh sử dụng.
  10. Tiếng Mại (迈话, Mại thoại), thuộc hệ thống phương ngôn Quảng Đông, gần với tiếng Quảng Châu. Tuy nhiên, tiếng Mại có số người sử dụng không nhiều, phân bổ không rộng rãi, chỉ hạn chế tại khu vực ngoại ô Nhai Thành và Thủy Nam của Tam Á.
  11. Tiếng Đản Gia (疍家话, Đản Gia thoại), thuộc hệ thống phương ngôn Quảng Đông, được cư dân người Hán phụ cận cảng Tam Á sử dụng.

Tôn giáo

Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tại Tam Á, khánh thành ngày 24 tháng 4 năm 2005

Trước khi văn hóa Hán từ nội địa xâm nhập đến, cư dân người Lê đảo Hải Nam chủ yếu sùng bái tín ngưỡng nguyên thủy (thuyết vật linh), họ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thiên nhiên và thờ cúng nhiều đối tượng, đây là giai đoạn tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy.[12] Năm 748, Phật giáo Hán truyền được truyền đến đến Hải Nam[13], tiếp theo là Đạo giáo. Nhà sư Giám Chân đã dạt vào Hải Nam khi nỗ lực đi thuyền đến Nhật Bản lần thứ năm, góp phần vào sự hưng vượng của Phật giáo tại Hải Nam thời Đường Tống.[14], hiện tại có 10.000 Phật tử đăng ký tại Hải Nam, còn Đạo giáo thì đã được bản địa hóa, dân gian hóa.[15] Vào thời Tống và Nguyên, cùng với làn sóng di dân của người Hán tại đại lục, tín ngưỡng thờ Mụ tổ cũng được truyền đến đảo, với các di tích còn lại cho đến ngày nay[16]

Hải Nam là một trạm trung chuyển của con đường tơ lụa trên biển, vì tại Hải Nam phong phú về các loại hương liệu, các thương nhân đến từ Gujarat thuộc Ấn Độ là những người đầu tiên giới thiệu Hồi giáo đến Hải Nam, những người Hồi giáo từ Trung ÁĐông Dương cũng góp phần truyền bá Hồi giáo đến Hải Nam. Hiện nay, tại hương Hồi Tân (回新乡) và hương Hồi Huy (回辉乡) ở Tam Á có khoảng 6.500 người Hồi giáo, thuộc hệ phái Sunni.[17]

Năm 1630, Giáo hội Ki-tô Bồ Đào Nha đã phái linh mục đến Hải Nam truyền giáo, từ đó Công giáo truyền đến Hải Nam. Từ lúc bắt đầu, khi bốn nước Pháp-Ý-Tây-Bồ gửi không quá 20 linh mục đến truyền giáo, cho đến thời Nhà Thanh, tín hữu Công giáo trên toàn đảo đã phát triển lên hơn 5.000 người. Thời cuối Thanh đầu Dân Quốc, Giáo hội Công giáo tại Hải Nam đã mua đất, xây dựng các nhà thờ. Sau năm 1950, các linh mục nước ngoài bị trục xuất bởi một loạt lý do, các linh mục người Hán dẫn thay thế vị trí của họ, số tín hữu Công giáo giám xuống chỉ còn 4.100 người.[13] Đạo Tin Lành truyền đến Hải Nam vào năm 1881, một mục sư quốc tịch Mỹ đã thiết lập khu hội Quỳnh Hải, do Giáo hội Trưởng Lão Mỹ lãnh đạo. Giáo đường Tin Lành đầu tiên tại Hải Nam được dựng tại Đam Châu. Từ đó, Tin Lành dần phát triển và hiện có 35.000 tín hữu tại tỉnh đảo.[13]

Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, dưới ảnh hưởng của cải cách ruộng đất và Đại Cách mạng Văn hóa, tình hình của các tôn giáo không được lạc quan. Trong cao trào của Cách mạng Văn hóa, tất cả các hoạt động tôn giáo phải ngưng lại và gần như toàn bộ các chùa miếu, đền thờ Hồi giáo và nhà thờ đã bị hư hỏng, chỉ một số lượng nhỏ tín đồ Hồi giáo và Tin Lành vẫn duy trì các hoạt động tôn giáo.[13][17] Sau Cách mạng Văn hóa, hoạt động tôn giáo tại Hải Nam bắt đầu được khôi phục, hiện có cả trăm địa điểm tôn giáo với trên 30 đoàn thể tôn giáo hoạt động.[13]